Gần đây, thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks cũng điều chỉnh hương vị của một thức uống cà phê tại hãng giống với món cà phê đá Việt Nam. Và hiện không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới ngày càng xuất hiện nhiều phiên bản đặc biệt của loại đồ uống ngọt ngào có chứa caffein này khiến khách hàng mê mẩn.
Cà phê muối của Việt Nam có sữa đặc có đường, cà phê và kem mặn. Ảnh: Tatiana Terekhina/iStockphoto/Getty Images
Một quán cà phê nhỏ và đơn giản ở thành phố Huế lịch sử của Việt Nam đã nổi tiếng vì đã phát minh ra loại đồ uống là cà phê muối phổ biến hiện nay.Thức uống này làm bằng cách thêm sữa đặc có đường vào vị cà phê Việt Nam, sau đó được phủ lớp kem muối lên trên, có thể dùng nóng hoặc đá.
"Chúng tôi tạo ra cà phê muối vào năm 2010 khi bắt đầu mở quán "Cà phê Muối" đầu tiên. Sự kết hợp giữa sữa đặc, muối và cà phê đen đã tạo nên hỗn hợp kem làm dịu đi vị đắng của cà phê và cân bằng vị ngọt của sữa đặc", đồng sở hữu quán Hồ Thị Thanh Hương và Trần Nguyễn Hữu Phong nói.
Tên của quán cà phê và đồ uống nổi tiếng đã nói lên điều đó.
"Chúng tôi hy vọng tên quán sẽ thu hút mọi người vì khách hàng thông thường nghĩ rằng cà phê đen chỉ có đường hoặc sữa. Chúng tôi nghĩ rằng nếu muốn mở quán cà phê thì phải làm khác một chút để thu hút khách hàng. Và vị cà phê muối đã giữ khách ở lại với chúng tôi. Những người dân địa phương và khách du lịch tò mò bắt đầu ghé thăm và họ đã thích thức uống này. Người Huế có thói quen uống cà phê đen với đường hoặc sữa đặc nên cà phê mặn bị coi là đồ uống lạ," đồng sỡ hữu nói.
Đồng sở hữu quán cà phê cũng nói thêm chúng tôi thực sự biết ơn những khách hàng đầu tiên. Họ sẵn sàng thử loại đồ uống lạ này và phản hồi để chúng tôi nhanh chóng hoàn thiện hương vị. Không lâu sau, cà phê muối được biết đến như một thức uống đặc sản đại diện cho vùng đất Huế lịch sử và các quán cà phê khác ở khắp Việt Nam cũng bắt đầu phục vụ món này.
"Sau những năm dịch bệnh Covid-19, cà phê muối dường như đang trở thành xu hướng trên khắp Việt Nam. Ở Huế, cà phê muối trở thành thức uống hàng ngày giống như cà phê đen hoặc nâu nên xu hướng này mang lại nhiều thay đổi cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi", Hương và Phong nói.
Ngày nay, cà phê muối đóng chai cũng được bán ở các thành phố khác ở Việt Nam.
Mặc dù cái tên có thể khiến mọi người thấy khác lạ nhưng hương vị thực sự đã có tác dụng. Sữa và kem ngọt làm cân bằng vị đắng của cà phê, còn muối làm tăng vị ngọt – giống như một chút muối trong caramen mặn làm cho hương vị caramen nổi bật hơn.
Ngay cả chi nhánh Starbucks tại Việt Nam cũng tham gia làn sóng cà phê muối, tung ra phiên bản cà phê muối của thương hiệu vào tháng 5 năm nay.
Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất có cà phê muối. Vào năm 2023, một bài báo của Bon Appetit đã đưa ra lời khuyên với những tín đồ mê cà phê: "nên thêm một chút muối vào cà phê để giảm bớt vị đắng và tăng hương vị". Truyền thống này đã tồn tại từ hàng trăm năm trước ở các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary và Siberia.
Thế giới ngày càng thích cà phê Việt Nam
Khách hàng ngồi tại một quán cà phê ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Linh Pham/Bloomberg/Getty Images
Việt Nam, nơi chủ yếu trồng cà phê Robusta, là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Theo Hội đồng Thương mại Quốc tế, xuất khẩu cà phê của nước này đã đạt 2,9 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm nay, ghi nhận mức tăng 43,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc cà phê muối đã trở nên phổ biến khắp các quán cà phê ở Huế và là một lựa chọn phổ biến trong thực đơn trên khắp Việt Nam hiện nay không có gì đáng ngạc nhiên.
Lần đầu tiên được thực dân Pháp đưa cà phê vào Việt Nam trong những năm 1850, cà phê cực kỳ phổ biến khắp cả nước. Các quán cà phê đa dạng, từ những quầy nhỏ có ghế nhựa trên vỉa hè cho đến những quán cà phê hiện đại, đẹp mắt có máy rang cà phê trong khuôn viên.
Cà phê truyền thống của Việt Nam được pha trong một chiếc phin – một thiết bị pha cà phê được lọc bằng kim loại – được đặt trên cốc hoặc bình. Nhiều người thích khuấy một hoặc hai thìa sữa đặc có đường vào nước pha đậm đặc.
Cà phê muối trở thành một trong số những thức uống cà phê đặc biệt của Việt Nam và khiến những ai chưa thử thức uống này phải ngạc nhiên.
Bên cạnh đó còn có thêm cà phê trứng. Cà phê trứng bắt đầu có nguồn gốc từ thủ đô Hà Nội, công thức giống như món tráng miệng này thêm phần trên là lòng đỏ trứng, đánh bọt sữa đặc vào nền cà phê.
Sau đó đến cà phê cốt dừa - đặc trưng của cà phê được pha với nước cốt dừa và đá – một món ăn lạnh mang hương vị nhiệt đới.
Cuối cùng là sữa chua cà phê. Cà phê đen rưới lên sữa chua Việt Nam béo ngậy.
Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu thị trường toàn cầu Mintel công bố vào năm 2023, người tiêu dùng ở ngoài châu Á ngày càng quan tâm đến những trải nghiệm với các hương vị cà phê muối mới lạ. Khoảng 71% người tiêu dùng Gen Z được Mintel tại Mỹ phỏng vấn cho biết họ quan tâm đến thưởng thức đồ uống cà phê lấy cảm hứng từ châu Á như cà phê Việt Nam.
Tại Mỹ, 7 Leaves Café, chuỗi quán cà phê bán đồ uống Việt Nam đã mở rộng tới hơn 40 chi nhánh trên khắp nước Mỹ sau khi mở quán cà phê đầu tiên ở California vào năm 2011.
Trong khi đó, các quán cà phê độc lập của Việt Nam đang mọc lên khắp nước Mỹ, với "Phin Ca Phe" ở Seattle hay "Càphê Roasters" ở Philadelphia cung cấp các phiên bản cà phê muối. Bên kia Đại Tây Dương ở thủ đô London (Anh), những quán cà phê cũng cung cấp nhiều loại đồ uống cà phê Việt Nam khác nhau, trong đó có cà phê trứng.
Trở lại Huế, hai chủ quán cà phê Hương và Phong cho biết hầu hết khách hàng của họ đều gọi cà phê muối khi đến đây, mặc dù thực đơn còn có những món khác. Khi họ phục vụ cả cà phê muối đá và cà phê muối nóng thì cà phê muối nóng vẫn là lựa chọn nhiều nhất.
"Chúng tôi thấy vui và có chút tự hào vì đã làm ra một thức uống được nhiều người yêu thích, thậm chí còn được coi là đặc sản Huế", cặp đôi nói với niềm tự hào./.
Hồng Nhung